5 kiêng kỵ cần tránh khi cúng ông Công ông Táo nhất định phải biết
Trong ngày làm lễ cúng ông Công ông Táo, có những điều kiêng kỵ cần nhớ để các vị thần Bếp, thần Đất chứng tâm và mang lại may mắn cho cả nhà.
Cúng ông Công ông Táo là một trong những ngày lễ quan trọng trước khi đến Tết Nguyên Đán. Người ta cho rằng, một năm được bắt đầu bằng mùng 1 Tết Nguyên Đán và kết thúc bằng ngày cúng ông Công ông Táo.
Bởi vậy, trong ngày cúng ông Công ông Táo có những điều nên tránh và lưu ý về văn khấn, những điều cầu xin để không thất lễ với thần linh.
1 - Không cúng vào giờ Ngọ ngày 23 tháng Chạp
Một điều quan trọng về thời gian cúng ông Công ông Táo mà mọi người cần nhớ là không được cúng sau giờ Ngọ. Giờ Ngọ là khung giờ từ 11 giờ đến 12 giờ 59 phút. Nhiều người cho rằng chỉ không nên cúng sau 12 giờ, còn khoảng 11 giờ đến 12 giờ cúng vẫn được. Tuy nhiên, điều này là sai lầm.
Giờ Ngọ là thời gian các vị thần Bếp đã về trời, lễ cúng phải được tiến hành trước khi các vị thần xuất hành. Hơn nữa, tùy điều kiện sắp xếp công việc của từng nhà, nên cúng sớm hơn để mọi thứ được chu đáo, thong thả mà không dẫn tới thiếu sót.
2 - Nên đặt mâm cỗ ở bàn thờ
Nhiều gia đình vẫn có thói quen thực hiện nghi thức cúng lễ ở trong bếp vì ông Táo là thần Bếp nên đặt cỗ cúng ở đó là hợp lý. Tuy nhiên, cách làm này không được thuận với các quy tắc thờ cúng.
Gia đình nào thực hiện cỗ cúng dưới bếp thường làm bát hương tạm. Nhưng các vị thần linh trong nhà đều ngự ở án thờ. Cho nên, đặt mâm cúng ở khu thờ chính trong nhà mới là chính xác.
Ngoài ra, khu vực bếp là nơi nấu nướng, không phải lúc nào cũng sạch sẽ, thơm tho. Nên các gia đình cần cân nhắc để đặt mâm cúng đúng nơi thì việc chứng tâm sẽ thuận lợi hơn.
3 - Tránh cầu xin giàu có, tiền bạc
Không ít người lầm rằng, cứ dâng cúng là cầu xin được tiền bạc dồi dào, làm ăn thuận lợi, phát tài phát lộc. Tuy nhiên, ông Công ông Táo về chầu trời để bẩm thưa những việc lớn nhỏ trong suốt một năm của gia đình dưới hạ giới. Bởi vậy, xin khấn nên tập trung vào sự an lành, hòa thuận, vui vẻ, sức khỏe các thành viên trong nhà. Xin các vị thần báo cáo điều tốt là được.
4 - Phương tiện di chuyển của ông Công ông Táo
Tại sao trong lễ cúng ông Công ông Táo lại chọn cá chép vàng là phương tiện di chuyển? Cá vàng không chỉ biểu tượng cho sự hạnh phúc mà còn là ý niệm "cá vượt vũ môn", "cá hóa rồng". Điều này thể hiện mong muốn gửi gắm về sự can trường, mạnh mẽ, vượt qua mọi thách thức để chạm vào sự an yên, hạnh phúc.
Nếu không có điều kiện mua cá thật thì có thể dùng cá giấy đồ mã, sau khi cúng xong thì hóa cùng tiền vàng.
Cuộc sống hiện đại nên sự đa dạng về đồ mã cũng phong phú hơn nhiều. Nhưng điều này không có nghĩa là dùng đồ mã máy bay, tàu hỏa, ô tô để các vị thần "đi nhanh" hơn.
5 - Không ném, hất cá chép vàng từ trên cao xuống
Một trong những đại kỵ cần tránh trong ngày tiễn ông Công ông Táo đó là việc thả cá chép. Cá chép vàng được coi là biểu tượng của thần linh và hành động thả cá chép còn mang ý nghĩa tâm linh.
Cá chép vàng còn là biểu tượng của sự sinh sôi, nảy nở, phát triển mạnh mẽ của người Việt từ lâu đời. Bởi vậy, việc thả cá chép sống còn là sự nhân lên của sự sống. Trong ngày cúng ông Công ông Táo, cá chép được "phóng sinh" nhẹ nhàng bằng cách thả ở những ao, hồ, sông, suối gần khu vực sinh sống. Tuy nhiên, khu vực nước này cần trong xanh, không có mùi hôi thối, nhiều rác bẩn.
Ngoài ra, không đứng từ trên cao, trên cầu ném và hất cá xuống dưới nước. Đây là hành động "thất lễ", sẽ khiến các vị thần linh không vui và cũng không chứng tâm cho lòng thành của gia chủ.